EVNPECC4 đóng góp tham luận và bài nghiên cứu tại Hội thảo khoa học quốc tế EEE-AM 2023
Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (EVNPECC4) mới đây đã vinh dự trình bày giải pháp cho các vấn đề gây ra bởi sự tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện tại Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện - châu Á 2023 (EEE-AM 2023), diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13/11-15/11/2023.
Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện - châu Á 2023 (EEE-AM 2023) do Trường Đại học Điện lực phối hợp cùng Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) tại Việt Nam và Hiệp hội Ứng dụng công nghiệp IEEE (IEEE IAS) đồng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
Hội thảo là một diễn đàn quốc tế, nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và trình bày các đề tài nghiên cứu khoa học về các hệ thống năng lượng từ các đại diện là các nhà khoa học, giảng viên Nhà trường, khách mời từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực năng lượng và tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
EVNPECC4 tự hào tham dự Hội thảo khoa học quốc tế EEE-AM 2023 với bài Tham luận Các vấn đề về ổn định và giải pháp khi xét đến sự gia tăng quá trình tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện (Stability issues and solutions in term of the increasement of renewable energy sources integration in the power system) và bài Nghiên cứu Giải pháp mới cho quá trình điều chỉnh tần số thứ cấp bằng hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) trên hệ thống điện Việt Nam (New method for secondary frequency regulation by battery energy storage system on Vietnam power system).
Ở phần trình bày bài tham luận “Các vấn đề về ổn định và giải pháp khi xét đến sự gia tăng quá trình tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện”, diễn giả Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn xây dựng Thủy điện và Năng lượng tái tạo, EVNPECC4 đã nêu bật lên các vấn đề nghiêm trọng do quá trình tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo diễn ra một cách ồ ạt đã ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ thống điện của một số quốc gia. Qua đó, diễn giả Lê Hoài Nam đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao độ ổn định của hệ thống, cũng như áp dụng chính những giải pháp đó vào hệ thống điện Việt Nam. Từ đó chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của giải pháp.
Diễn giả Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Xây dựng Thủy điện và Năng lượng tái tạo EVNPECC4 – trình bày đề tài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế EEE-AM 2023
Đại diện EVNPECC4 (thứ hai bên trái) chia sẻ cùng với các đại diện từ các tổ chức khoa học tại Việt Nam và trên thế giới
Trong khi đó, ở phần chia sẻ bài nghiên cứu Nghiên cứu Giải pháp mới cho quá trình điều chỉnh tần số thứ cấp bằng hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) trên hệ thống điện Việt Nam, tác giả Trần Viết Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu phát triển EVNPECC4 đã trình bày nhiệm vụ cũng như chức năng của hệ thống BESS trong quá trình điều tần thứ cấp. Qua đó nêu bật lên được vai trò cực kỳ quan trọng của nó trong nhiệm vụ duy trì tần số của hệ thống ở ngưỡng cho phép. Để có cái nhìn trực quan, tác giả đã mô hình hóa hệ thống BESS bằng phần mềm DigSILENT và áp dụng vào mô hình lưới điện 500kV/220kV khu vực Tây Nguyên năm 2025, từ đó đưa ra được những con số và biểu đồ trực quan qua đó chứng minh được sự hiệu quả mà giải pháp mang lại.
Tác giả Trần Viết Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu phát triển EVNPECC4 trình bày đề tài nghiên cứu tại Hội thảo EEE-AM 2023
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới, các thầy cô giáo, các đại biểu, kỹ sư… đã mang đến Hội thảo với hơn 150 báo cáo chuyên đề khoa học chất lượng cao. Cùng với đó, những chia sẻ của các diễn giả, khách mời về các nội dung nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng tại Hội thảo qua đó sẽ góp phần xây dựng hệ thống năng lượng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu ngày một xanh hơn, an toàn hơn.
PGS.TS Đinh Văn Châu cũng hy vọng việc ứng dụng công nghệ “xanh” sẽ luôn song hành bền vững với sự phát triển không ngừng nhân loại, đó cũng là trách nhiệm, là mong ước của các nhà khoa học trong Hội thảo để xây dựng một hành tinh xanh hơn.