EVNPECC4 tham gia Hội thảo “Thiết kế - Vận hành - Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững”
Ngày 8/8/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (EVNPECC4) đã tham dự Hội Thảo “Thiết kế - Vận hành - Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững” do Công ty TNHH Năng Lượng Môi Trường Biển Đông (ESEC) tổ chức.
Hội thảo thu hút hơn 150 khách hàng, đối tác là các nhân sự chủ chốt, chuyên gia đầu ngành về Điều Độ/Phát Điện/Truyền Tải/Phân Phối Điện, Dầu Khí - Hóa Chất, Sản Xuất Công Nghiệp, Hạ Tầng và các đơn vị tư vấn…
TS. Lê Cao Quyền - Chủ tịch HĐQT EVNPECC4 tham dự Hội Thảo “Thiết kế – Vận hành – Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững”
Tại Hội thảo này, Kỹ sư Huỳnh Kim Long – Kỹ sư tính toán hệ thống điện, Trung tâm Nghiên cứu phát triển EVNPECC4 chia sẻ tham luận “Xác định dung lượng pin tích trữ cho hệ thống điện tích hợp tại đảo Phú Quý” (Determination of battery energy storage system sizing for hybrid power system in Phu Quy Island, Binh Thuan Province, Viet Nam).
Kỹ sư Huỳnh Kim Long của EVNPECC4 trình bày tham luận tại Hội Thảo “Thiết kế – Vận hành – Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững”
Tham luận của EVNPECC4 nêu rõ đảo Phú Quý hiện nay được cấp điện từ nhà máy nhiệt điên diesel Phú Quý với công suất 10MW, nhà máy điện gió Phú Quý với công suất 6MW và nhà máy điện mặt trời Phú Quý với công suất 0.8MW. Nhu cầu phụ tải dự kiến đạt 8.4MW đến năm 2025 và 14.9MW đến năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải đến năm 2025, đảo Phú Quý dự kiến lắp thêm 02 tuabin gió với tổng công suất 10MW và nâng cấp công suất của nhà máy điện mặt trời Phú Quý từ 0.8MW – 2MW. Tuy nhiên các nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc chủ yếu vào sự thay đổi của thời thiết như bức xạ của mặt trời và tốc độ gió, do đó Nhà máy diesel Phú Quý vẫn là nguồn điện cung cấp chính cho đảo Phú Quý.
Kỹ sư Huỳnh Kim Long, EVNPECC4 nhận định: “Để đáp ứng nhu cầu phụ tải của đảo Phú Quý cũng như tối ưu hóa sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, báo cáo đề xuất nghiên cứu lựa chọn dung lượng của hệ thống pin lưu trữ năng lượng (Battery Energy Storage System – BESS) để hỗ trợ hệ thống điện đảo Phú quý lưu trữ nguồn năng lượng tái tạo và giảm lượng công suất phát từ nhà máy Diesel Phú Quý.”
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tiếp cận, khám phá những xu hướng mới nhất trong Thiết kế, Vận hành và Tự động hóa Hệ thống điện bằng giải pháp ETAP để phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững... Trong đó, kỹ sư Huỳnh Kim Long vinh dự đại diện EVNPECC4 giới thiệu tới các chuyên gia, đại biểu về các dự án thành công trong việc phát triển ngành năng lượng mới tại Việt Nam.
Kỹ sư Huỳnh Kim Long của EVNPECC4 cùng các chuyên gia của ETAP, ESEC trao đổi trong Hội thảo
Thị trường công nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề “nóng” với công tác quy hoạch phát triển, quản lý vận hành hệ thống cung cấp điện để hướng đến phát triển bền vững. Chính vì vậy, Hội Thảo “Thiết kế – Vận hành – Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững” đã nhận được rất nhiều những câu hỏi và sự quan tâm từ các đại biểu, chuyên gia về việc làm thế nào để mang đến hệ thống điện an toàn, tin cậy và hiệu suất cao.
Thông qua việc tham gia và chia sẻ tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế trong năm 2023, đội ngũ kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu phát triển của EVNPECC4 có dịp gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và cộng đồng ngành điện hàng đầu trên toàn thế giới. Từ đó, EVNPECC4 mở ra nhiều cơ hội hợp tác và tiếp thu các ý kiến đổi mới sáng tạo trong ngành điện trên thế giới để bắt nhịp với xu hướng phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu.
Một số hình ảnh liên quan tới EVNPECC4 tại Hội thảo “Thiết kế – Vận hành – Tự động hóa Hệ thống điện để chuyển đổi năng lượng bền vững”:








