“Ứng dụng hệ thống BESS nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải” gây ấn tượng tại Hội nghị Khoa học & Công nghệ Điện lực năm 2022
Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực năm 2022 do Hội Điện lực Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24/11 đến ngày 25/11/2022. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, trình bày đề tài nghiên cứu khoa học của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong ngành năng lượng; nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Hội, tổ chức nghiên cứu khoa học.
Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (EVNPECC4) tự hào tham dự đóng góp tại Hội nghị với bài báo khoa học: “Ứng dụng hệ thống BESS nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải”. Phân ban truyền tải điện, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Quản lý chất lượng EVNPECC4 vinh dự trình bày báo cáo khoa học này tại Hội nghị.
Ông Trần Viết Thành - Trưởng phòng NCPT, Trung tâm NCPT&QLCL EVNPECC4, đại diện nhóm tác giả trình bày bài báo khoa học tại Hội nghị
Tại Hội nghị, bài báo khoa học này đã nêu bật những thách thức, khó khăn mà hệ thống điện Việt Nam gặp phải khi có tới 24,000 MW tổng công suất đặt của nguồn điện tái tạo đã được đưa vào lưới điện quốc gia (bao gồm điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời và thủy điện - theo thống kê năm 2021). Hệ quả là tốc độ phát triển quá nhanh trong việc bổ sung nguồn NLTT vào hệ thống điện làm xuất hiện nhiều vấn đề trong vận hành và ổn định hệ thống điện (dư thừa công suất, tần số vượt quy định…).
Nhằm giải quyết các yêu cầu đặt ra, trải qua hàng loạt thử nghiệm tính toán, đội ngũ kỹ sư Bộ phận Nghiên cứu phát triển và Quản lý chất lượng của EVNPECC4 đã thành công xây dựng mô hình Pin tích trữ năng lượng BESS (Battery Energy Storage System) trên phần mềm PSS/E và PowerFactory DIgSILENTS.
Đại diện EVNPECC4 trình bày tham luận “Vấn đề đặt ra cho hiện trạng hệ thống lưới điện tại Việt Nam”
Thiết bị BESS có công suất khoảng 600MW trang bị tại các vị trí 220kV Buôn Kuốp (200MW), 220kV Krông Buk (200MW) và 220kV Serepok 4 (200MW) nhằm tối ưu công suất phát của NLTT và nâng cao ổn định tần số, tăng hệ số quán tính của hệ thống điện.
Vị trí và công suất lắp đặt các thiết bị BESS
Kết quả nhận được từ chương trình mô phỏng vô cùng khả quan: các vị trí lắp đặt BESS vận hành ổn định, không còn xảy ra quá tải trên các đường dây 220kV từ trạm 500kV Pleiku 2 đến trạm 500kV Đăk Nông. Bên cạnh đó, hệ thống BESS còn góp phần hỗ trợ cung cấp công suất cho phụ tải vào thời điểm các nhà máy NLTT ngừng phát.
Đại diện EVNPECC4 trình bày kết quả tính toán “Ứng dụng hệ thống BESS nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải” tại Hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT đánh giá cao giải pháp “Ứng dụng hệ thống BESS nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải”. Giải pháp này của EVNPECC4 cũng như các ứng dụng của các đơn vị khác đã áp dụng và mang lại hiệu quả rất lớn cho Hệ thống điện của Việt Nam. Chủ tịch HĐTV EVNNPT hy vọng các đơn vị tiếp tục không ngừng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ số, luôn sẵn sàng thử thách bản thân, tìm tòi và học hỏi để phục vụ tốt hơn nữa trong quản lý, điều hành và thiết kế, vận hành hệ thống truyền tải điện.
Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV EVNNPT cũng như thấu hiểu sứ mệnh và trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Quản lý chất lượng EVNPECC4 cam kết tiếp tục tiên phong nghiên cứu ứng dụng hiệu quả, nỗ lực đem lại giá trị hữu ích hơn nữa cho Chủ đầu tư, Quý khách hàng cũng như Hệ thống điện Quốc gia.
Thông tin chi tiết về bài báo nghiên cứu xem tại link: TẬP 1 - TẬP 2