EVNPECC4 đồng hành cùng Trung Nam Group về đích dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam
Ngày 31/10/2021 tại xã Ea Nam - Huyện Ea H’Leo - Tỉnh Đắk Lắk, Nhà máy điện gió Ea Nam công suất 400MW đã đóng điện hoà lưới thành công 84/84 tua bin. Đây là dự án điện gió có công suất lắp đặt lớn nhất Việt Nam hiện nay đã đóng điện thành công, dự án do Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thuộc Trung Nam Group) làm Chủ đầu tư và được Tư vấn thiết kế bởi Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây Dựng Điện 4 (EVNPECC4).
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh tại văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 và được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép đầu tư tại quyết định số 3282/QĐ-UBND vào ngày 31/12/2020. Theo ông Ngô Giang Đông - Chủ nhiệm thiết kế dự án, đây là công trình điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, thực hiện theo cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; đồng thời được Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất triển khai tại Nghị Quyết 14-NQ/TU về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Với tinh thần khẩn trương quyết liệt, Chủ đầu tư quyết tâm dồn toàn lực thực hiện dự án để kịp tiến độ đóng điện trước 31/10/2021.
Nhà máy điện gió Ea Nam với tổng công suất là 400 MW, đây là dự án điện gió trên bờ có công suất lớn nhất tại Việt Nam đã vận hành. Tính đến thời điểm hiện tại, tua bin sử dụng cho dự án đang là tua bin có công suất lớn nhất tại Việt Nam do Enercon của Đức cung cấp, gồm 2 loại là E138 có công suất 4,2MW và E160 công suất 5,5MW mỗi tổ máy.
Đây là một dự án có kỷ lục về tiến độ Khảo sát, Thiết kế được đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng năng lượng, đặc biệt về tư vấn các công trình năng lượng tái tạo ở Việt Nam - EVNPECC4 thực hiện. Quyết tâm cùng chủ đầu tư về đích đúng hạn, tổ tư vấn dự án với hơn 50 kỹ sư, chuyên gia đã làm việc liên tục không ngừng suốt gần một năm để hoàn thành hồ sơ đề án từ Thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, giải quyết mọi vấn đề phát sinh và kịp thời xử lý tại công trường đáp ứng tiến độ của dự án.
Tuy hợp đồng triển khai ở giai đoạn TKKT nhưng với tinh thần tập trung cao độ nhằm để đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế, đội ngũ tính toán hệ thống điện EVNPECC4 đã xem xét lại các tính toán kỹ thuật giai đoạn trước, đặc biệt cập nhật cấu hình hệ thống điện, tính toán kiểm chứng, đưa ra các đề xuất kỹ thuật giúp Chủ đầu tư giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm thời gian thực hiện dự án qua đó đẩy nhanh công tác COD. Các đề xuất kỹ thuật đó có thể kể đến với việc chứng minh với các cơ quan thẩm quyền xét duyệt đồng ý thay đổi lại giải pháp kỹ thuật, loại bỏ việc yêu cầu nâng cấp, thay thế dàn tụ bù dọc 30,5 Ohm-2000A tại trạm 500kV Di Linh lên dòng định mức cao hơn, qua đó tiết kiệm cho dự án khoảng 200 tỷ đồng cũng như rút ngắn thời gian thoả thuận với các cơ quan quản lý vận hành lưới điện 500kV.
Với 84 vị trí tua bin bố trí trên những điều kiện địa hình địa chất khác nhau, một số vị trí móng tua bin có thể đặt trực tiếp trên nền đá, nhưng có những chỗ phải xử lý nền bằng móng cọc sâu đến 40m. Các loại cọc được sử dụng cho dự án gồm cọc dự ứng lực cường độ cao (PHC), cọc khoan nhồi đường kính lớn D1000mm - D1200mm. Đế móng tua bin được thiết kế với Bê tông cốt thép mác 450-600, đường kính từ 22,0m-26,8m tùy vào điều kiện địa chất và công suất tua bị tại mỗi vị trí.
Việc đấu nối các tua bin gió với tổng chiều dài các đường dây 33kV lên đến gần 100km, trong đó có những nhánh có chiều dài trên 10km, việc lắp đặt một số trụ tua bin gió ở vị trí xa trạm biến áp, có chiều dài nhánh đấu nối lớn đã làm cản trở khả năng điều chỉnh công suất phản kháng của tua bin. Một số tua bin gió nằm xa điểm đấu nối có thể đạt đến giá trị điện áp nằm ngoài phạm vi vận hành bình thường của chúng (90-110% điện áp danh định tại đầu cực máy phát), điều này khiến các tua bin này chuyển sang chế độ vận hành theo đường đặc tính Fault Ride Through (FRT Capability) và có thể gây trip dừng máy phát sau khoảng thời gian vận hành quá áp hoặc thấp áp. Đã nghiên cứu, biết được hiện tượng này sẽ xảy ra là do có sự chênh lệch điện áp trên các tua bin gió có đấu nối đường dây dài so với điểm đo đếm tại trạm và là những vấn đề phát sinh mới đối với các nhà máy điện gió so với các nhà máy điện truyền thống, nên đội ngũ kỹ sư của Trung tâm R&D đã thực hiện tính toán mô phỏng chuyên sâu bằng các phần mềm chuyên dụng và đưa ra khuyến nghị các giải pháp cho CĐT để giải quyết các vấn đề trên như: trang bị thiết bị bù công suất phản kháng linh hoạt như SVC hoặc STATCOM; đề xuất phương thức vận hành các tua bin căn cứ vào vị trí của các tua bin…
Đồng thời phải kể đến 22 tuyến đường dây 33kV đấu nối các tua bin về Trạm biến áp 500kV, trong đó có nhiều đoạn phải đi ngầm chung để vượt qua các tuyến đường dây 220kV, 500kV và đi vào trạm 500kV (số lượng tuyến cáp ngầm đi chung lên đến 16 mạch). Với số lượng cáp ngầm đi chung lớn và vị trí chôn gần nhau sẽ gây giảm khả năng tải rất nhiều của các tuyến đường dây. Do đó việc với tiêu chí lựa chọn tiết diện cáp ngầm phù hợp để giảm chi phí thiết bị đồng thời lắp đặt các sợi cáp nhằm tối ưu giữa việc bố trí cáp đảm bảo khả năng truyền tải công suất cho các tua bin cũng như khoảng cách giữa các mạch cáp ngầm được thực hiện bằng các phần mềm chuyên sử dụng cho tính toán cáp ngầm đạt kết quả chính xác và đạt hiệu quả nhất.
Hình 1: Kết quả tính toán mô phỏng bố trí cáp ngầm 33kV
Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, khi hoàn thành hàng năm nhà máy sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia, ước tính trong thời gian vận hành dự án nhà đầu tư sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỉ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương và dự kiến nộp thuế GTGT khoảng 250 tỷ đồng/năm. Nhà máy Điện gió Ea Nam đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ea H’Leo và tỉnh Đắk Lắk.
Hình 2: Đường dây 500kV đấu nối Nhà máy điện gió Ea Nam vào hệ thống điện Quốc gia
Hình 3: Điểm đấu nối Nhà máy điện gió Ea Nam lên đường dây 500kV Pleiku - Di Linh
Hình 4: Trạm biến áp 500kV nổi bật giữa núi rừng Tây Nguyên
Hình 5: Đường dây đấu nối trung áp 33kV
Hình 6: Lắp ráp tổ hợp tua bin gió
Hình 7: Để đảm bảo tiến độ, Chủ đầu tư huy động nhiều cần cẩu lớn phục vụ lắp đặt
Hình 8: Tổng quan khu vực trạm 500kV và nhà điều khiển, khu QLVH