Đề tài nghiên cứu khoa học của EVNPECC4 được công bố và đăng tải trên Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Năng Lượng - Trường Đại học Điện Lực
Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (EVNPECC4) phối hợp cùng Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Hệ Thống Điện, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM và Trường Đại học Điện lực công bố nghiên cứu khoa học đề tài “Phân tích ảnh hưởng đối với khả năng mang tải của cáp ngầm biển HVDC theo điều kiện lắp đặt khác nhau sử dụng phần mềm CYMCAP” đăng tải trên Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Năng Lượng - Trường Đại học Điện Lực (ISSN: 1859 - 4557) đăng tải ngày 26/5/2023.
Công bố nghiên cứu khoa học đề tài đăng tải trên Tạp Chí Khoa Học Và Công Nghệ Năng Lượng - Trường Đại học Điện Lực (ISSN: 1859 - 4557)
Nhóm tác giả nghiên cứu khoa học đề tài này gồm Ông Huỳnh Kim Long – Kỹ sư tính toán hệ thống điện, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Quản lý chất lượng EVNPECC4; ThS. Dương Văn Phú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Quản lý chất lượng EVNPECC4; Ông Võ Quang Thức – Giám đốc Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Hệ Thống Điện; TS. Nguyễn Đăng Toản –Trưởng khoa năng lượng Trường ĐH Điện Lực; TS. Dương Thanh Long – Phó Trưởng khoa Công nghệ điện, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM.
Nhóm tác giả nghiên cứu khoa học đề tài “Phân tích ảnh hưởng đối với khả năng mang tải của cáp ngầm biển HVDC theo điều kiện lắp đặt khác nhau sử dụng phần mềm CYMCAP”
Nhóm tác giả nghiên cứu xoay quanh về đối tượng cáp ngầm biển thuộc hệ thống truyền tải điện một chiều cao áp (HVDC) – một hệ thống truyền tải được ứng dụng cho các dự án truyền tải điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã được phê duyệt trong “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với nội dung nghiên cứu như sau:
“Cáp ngầm dưới biển một chiều cao áp (HVDC) là một lựa chọn để kết nối và truyền tải các nguồn điện gió ngoài khơi vào hệ thống điện chính trong đất liền vì ưu điểm có tính ổn định cao cũng như mức tổn thất thấp so với hệ thống truyền tải xoay chiều (HVAC). Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn tính toán khả năng mang tải của cáp ngầm HVDC vượt biển theo các điều kiện lắp đặt khác nhau về mặt địa hình, địa chất đáy biển, chênh lệch nhiệt độ, … Những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp, làm thay đổi khả năng mang tải của cáp ngầm HVDC. Bài báo sử dụng phần mềm CYMCAP để mô phỏng ảnh hưởng của các điều kiện lắp đặt cáp theo nhiệt độ, độ sâu và khoảng cách giữa các sợi cáp có ảnh hưởng đến khả năng mang tải của cáp ngầm biển HVDC. Các kết quả mô phỏng trong các kịch bản đã cho thấy ảnh hưởng đáng kể của điều kiện lắp đặt đến khả năng mang tải của cáp ngầm biển HVDC và có thể ứng dụng vào thực tế chọn cáp HVDC vượt biển cho các dự án quan trọng trong tương lai.”
Cấu tạo cáp ngầm biển HVDC ±320kV/2000mm2 bằng phần mềm CYMCAP
Từ kết quả nghiên cứu thành công về cáp ngầm biển HVDC, Trung tâm R&D thuộc EVNPECC4 sẽ tiếp tục phối hợp với các trường Đại học, các đơn vị, đối tác cho ra mắt nhiều ấn phẩm nghiên cứu khoa học đóng góp vào sự phát triển bền vững của Ngành Điện Việt Nam và thế giới.
Xem toàn bộ nội dung công bố nghiên cứu khoa học đề tài tại đây