Những điểm còn thiếu trong chuỗi cung ứng điện gió tại Việt Nam? Các cơ hội mà những “lỗ hổng” này có thể mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam?
Ngày 15/11/2023, tại khách sạn Pan Pacific - Hà Nội, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Cách thức tiếp cận nguồn vốn quốc tế trong phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam; Cơ hội của doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng phát triển điện gió ngoài khơi”.
Tham gia chia sẻ tại Hội thảo, Ông Vương Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (EVNPECC4) đã trình bày quan điểm về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng để phát triển điện gió ngoài khơi.
Ban biên tập xin trích dẫn lại bài chia sẻ của Ông Vương Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc EVNPECC4 tại Hội thảo quốc tế này với những nội dung chính như sau:
Trong những năm qua, ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, ở ngoài khơi. Tuy nhiên, hiện chỉ có các công trình dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Do vậy, về kinh nghiệm nghiên cứu phát triển, đầu tư xây dựng, vận hành dự án điện ngoài khơi là hạn chế.
Về công tác khảo sát, trong nước còn thiếu những thiết bị tàu khảo sát ngoài khơi tiên tiến. Về nguồn nhân lực, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm luận giải dữ liệu khảo sát liên quan đến kỹ thuật công trình ngoài khơi, bao gồm dữ liệu môi trường; dữ liệu đại dương; dữ liệu địa kỹ thuật công trình biển.
Về thiết kế, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho thiết kế, thi công, nghiệm thu cho dự án điện gió ngoài khơi còn chưa có. Các đơn vị thiết kế trong nước, ngoài điểm mạnh của mình về phân tích hệ thống điện, thiết kế hệ thống đấu nối dự án điện gió vào hệ thống điện Quốc gia thì mảng thiết kế nhà máy còn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Về thi công xây lắp dự án trên biển, thi công lắp đặt hệ thống móng, lắp đặt trụ gió và thiết bị tuabin, lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi, lắp đặt cáp ngầm, các công việc trên các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia phối hợp và thực hiện một phần.
Về chế tạo, còn thiếu trong chuỗi cung ứng của Việt Nam liên quan đến tuabin bao gồm sản xuất và lắp ráp vỏ, cánh quạt, trụ thép cỡ lớn. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong nước đã trúng thầu quốc tế để chế tạo dàn jecket cho trụ gió ngoài khơi Đài Loan.
Về vận hành – bảo dưỡng, năng lực kỹ thuật viên liên quan đến gió ngoài khơi còn thiếu. Cần phải chú trọng đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo sự vận hành lâu dài 25-35 năm của một dự án ngoài khơi.
Về dịch vụ cảng biển, để phục vụ quá trình xây dựng và lắp đặt, hạ tầng cảng biển cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể, bao gồm: cảng có trọng tải trên 20.000 DWT; độ sâu mực nước trước bến tối thiểu 10m; chiều dài cầu cảng lý tưởng từ 350-400m; sức chịu tải của mặt cảng, nền bãi từ 10-50 tấn/m2. Tại các vùng biển duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam có rất nhiều cảng đáp ứng được các yêu cầu trên hoặc có thể cải tạo để đáp ứng được các yêu cầu.
Những thách thức ở trên cũng mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp trong nước tiên phong trong việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị để đón đầu xu thế phát triển trong tương lại. Một số doanh nghiệp đã tham gia chế tạo hệ thống móng tại các dự án ở nước ngoài. Đây sẽ là tiền đề tốt trong việc phát triển dự án điện gió ở ngoài khơi Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành điện gió ngoài khơi về mức chấp nhận được ở thị trường trong nước.
Trong những năm qua, EVNPECC4 đã tham gia đề xuất nhiều dự án điện gió ngoài khơi từ vịnh Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ và miền Nam; tổ chức nhóm nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi, tham quan học tập tại châu Âu và một số quốc gia khác ở châu Á. EVNPECC4 cũng đã tập trung nghiên cứu tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này để tiếp cận nhanh nhất về kỹ thuật khảo sát, thiết kế công trình trên biển nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong tương lai.